Lời bàn

Học làm người là bài học đầu tiên cha giành cho con.

Thông Điệp

Trên đường đến phòng làm việc của sếp, trong tay là lá đơn xin thôi việc mà tôi vừa đánh xong tối hôm trước, tôi tự hỏi bản thân: “Mình đã mất trí hòan tòan rồi sao?”

Không, hoàn toàn không? Một phần con người trong tôi lên tiếng. Hãy nhớ lại xem điều gì đã xảy ra cách đây vài tháng.

Đúng vậy, tôi vẫn còn nhớ như in tất cả mọi chuyện.

Tôi đã làm việc cho công ty hơn mười năm, sư cống hiến và khoảng thời gian dài làm việc cuối cùng rồi cũng mang đến cho tôi một thành quả xứng đáng khi được thăng chức lên làm quản lý cấp cao khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi có hàng tá trách nhiệm, với thời hạn hoàn thành công việc và cả những khủng hoảng ngày nào cũng có. Cứ mỗi tuần trôi qua, những chồng giấy tờ trên bàn ngày càng cao thêm, rồi những cuộc điện thoại, fax và thư điện tử đã chiếm trọn cuộc sống của tôi. Tôi rất tự hào về công việc của mình, thậm chí còn gửi cả danh thiếp về nhà để bố mẹ có thể thấy chức vụ được in ngay bên dưới tên tôi mà tôi đang đảm trách.

Suốt ngày tôi chỉ biết vùi đầu vào công việc nên dần dần các mối quan hệ bạn bè cũng bị xao lãng. Với tôi, công việc là cuộc sống và tôi cống hiến hết thời gian và sức lực của mình để làm việc. Tôi uống cà phê suốt ngày, để rồi khi đêm đến phải nhờ đến những viên thuốc an thần giúp mình chợp mắt. Trong ví tôi lúc nào cũng có năm loại thuốc trị nhức đầu và hàng chục loại thuốc chống đau dạ dày để sử dụng mỗi khi làm việc quá sức mình. Tôi còn để một tập giấy và một cây bút ngay cạnh giường ngủ để có thể ghi chép những lúc quá lo nghĩ đến công việc khiến tôi không ngủ được, cũng chính vì thế mà tôi đã lâm bệnh nặng.

Cuối cùng, cơ thể tôi cũng phải lên tiếng: “Không làm việc gì nữa hết!”. Tôi đã xin nghỉ phép ba ngày và dự định đến Florida để tận hưởng cảm giác yên bình của ánh mặt trời, của đại dương và bãi biển. Thế nhưng, vào buổi sáng ngày tôi chuẩn bị lên đường, tôi không thể nào nhấc mình ra khỏi giường được nữa. Toàn thân tôi hầu như tê cứng. Tôi không còn một chút sức lực nào. Tôi ngủ suốt cả ngày hôm đó, thức dậy chỉ để ăn, rồi lại nằm liệt trên giường. Ngày kế tiếp, mọi việc cũng diễn ra tương tự, tôi cố khích lệ cơ thể mình bằng cách tưởng tượng trong đầu những hình ảnh sống động tuyệt vời trong kỳ nghỉ của mình, thế nhưng cơ thể tôi vẫn bảo rằng: “Cảm ơn nhưng không cần đâu, tôi muốn được ở đây”.

Đến ngày thứ ba, tôi thực sự sợ hãi. Sau bốn mươi tám tiếng ngủ triền miên, tôi vẫn kiệt sức và không muốn cử động, vì thế tôi đã gọi bác sĩ và xin được một cuộc hẹn khám bệnh.

Tôi nằm trên bàn khám bệnh trong lúc chờ kết quả xét nghiệm máu. Tôi thoáng thấy mình trong một tấm gương và thật sự bị sốc – một phụ nữ già nua đang chằm chằm nhìn tôi. Tôi tự hỏi: “Bà là ai?”. Không một câu trả lời. Rồi bác sĩ quay trở lại, cho biết tôi là một bệnh nhân khỏe nhất mà ông từng gặp từ trước tới giờ, ông nói: “Cô chỉ bị chứng căng thẳng thái quá” và đã kê cho tôi một toa thuốc.

Tôi hỏi: “Tôi phải uống thuốc gì, thưa bác sĩ?”, rồi đọc dòng chữ viết nghệch ngoạc trên toa thuốc: “Hãy tìm một công việc khác”.

Kể từ hôm đó, tôi tự hứa với chính bản thân mình: “Tôi sẽ vạch ra thời gian làm việc cụ thể mỗi ngày, khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều, tôi sẽ ra về, cho dù có bất cứ việc gì đi nữa”.

Ngày đầu tiên trở lại với công việc, tôi buộc bản thân mình phải tuân theo lịch làm việc mới và thật sự rất bất ngờ khi thấy mọi việc đều tiến triển tốt đẹp. Quả là một điều ngạc nhiên thú vị!

Tôi bắt đầu đi dạo với mấy con chó cưng của tôi như lúc trước, cố bù đắp lại khoảng thời gian tôi không ngó ngàng gì đến chúng. Lôi quyển nhật ký của mình ra, phủi sạch từng lớp bụi bám bên ngoài, tôi bắt đầu viết. Thoạt đầu, tôi vẫn chưa nghĩ được sẽ viết gì, nhưng rồi sau đó, những câu chữ cứ tuôn ra ào ạt khi nội tâm tôi được phép lên tiếng. Suốt ba tháng liền, giọng nói ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi một câu: “Hãy nghỉ việc đi”.

Tôi bắt đầu đi làm từ khi tôi mới mười bảy tuổi, lúc đầu chỉ là công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học ở trường, rồi sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có ngay một công việc chính thức. Tôi luôn cảm thấy như có một con người khác đằng sau tất cả những bằng cấp và địa vị của tôi luôn khao khát được giải thoát. Vì thế mà, dù chẳng có một kế hoạch nào cho tương lai, tôi vẫn nộp đơn xin nghỉ việc theo đúng thủ tục là báo trước ba mươi ngày, để rồi suốt một tháng sau đó tôi đã trải qua những ngày dằn vặt, hối tiếc, tâm trạng rối bời. Điều khiến tôi bị sốc thật sự đó chính là mình là người dễ dàng bị thay thế. Chỉ sau hai tuần thông báo nghỉ việc, công ty đã tìm được người lấp vào vị trí của tôi. Ngày cuối cùng làm việc, tôi nhìn mình trong chiếc gương trong nhà vệ sinh và tự hỏi: “Mình là ai?”. Sự im lặng thật là đáng sợ.

Bỗng chốc, tôi trở thành một kẻ không việc làm, tôi hoàn toàn không biết mình nên đặt niềm tin vào đâu và tôi thật sự hoảng sợ. Nhưng cũng có một điều rất lạ, trong tôi như thể còn có một niềm tin tưởng nào đó khiến tôi phấn chấn hẳn lên, nó như mách bảo tôi rằng: “Đừng sợ hãi, rồi mọi việc đâu sẽ vào đó cả thôi, điều quan trọng là hãy tin ở chính bản thân mình”. Tôi ôm ấp niềm tin đó như đứa trẻ thơ bấu víu vào bàn tay của mẹ.

Cuối cùng, tôi cũng cảm thấy thoải mái để bắt tay vào cuộc hành trình tìm kiếm cái tôi của mình. Ít lâu sau, tôi chợt nhận ra rằng tôi thực sự chưa bao giờ quên mình là ai, chỉ là cố trốn tránh bản thân mình bằng cách vùi đầu vào công việc, chỉ có công việc và công việc mà thôi. Khi đi dạo thật lâu trong rừng, tôi đã tìm lại được con người thật của mình. Tôi lắng nghe tiếng nói trong lòng mình, tôi ngủ khi nào cảm thấy mệt và ăn khi nào cảm thấy đói. Tôi tìm cách liên lạc lại với tất cả bạn bè, đọc thật nhiều sách và ghi lại tất cả những gì đã xảy ra vào quyển nhật ký của mình.

Và lòng tin không khiến tôi phải thất vọng. Hai tháng sau, một người bạn giới thiệu cho tôi một công việc ít áp lực hơn và hẹn giúp tôi một cuộc phỏng vấn. Tôi có được một công việc mới, dù tiền lương chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tôi không hề mảy may hối tiếc.

Tám tuần nghỉ ngơi đó đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của tôi và dạy cho tôi biết rằng, cuộc sống mà mất đi sự cân bằng thì không đáng để sống – thậm chí là không thể sống được. Tôi cảm thấy biết ơn chính cơ thể mình vì nó đã gởi cho tôi một thông điệp rõ ràng đến vậy.

Tôi đã hoàn toàn bình phục trở lại và sẽ chẳng bao giờ quên được những gì đã xảy ra cho mình. Cuối cùng rồi tôi cũng học được cách định rõ bản thân mình từ trong ra ngoài, hơn là từ ngoài vào trong.

Ngẫm :
Không phải bất cứ tình yêu, lòng tốt, sự nhiệt thành nào cũng được đáp trả một cách xứng đáng. Đừng để thất vọng làm bạn mất niềm tin. Hãy bắt tay vào làm những việc bạn có thể. Những thiếu sót ban đầu sẽ làm bạn gặp trở ngại nhưng đó là bài học làm thay đổi, giúp bạn hoàn thiện bản thân. Tôi yêu bạn và yêu những thay đổi bạn mang lại cho tôi.

0 comments:

Post a Comment

Trang này cha giành cho con

Mong con khôn lớn học nên thành tài.

Followers